Campuchia - Chính phủ cân nhắc chính sách quản lý giá bán lẻ xăng dầu

Đàm Tá NhoTrưởng Văn phòng đại diện - Petrolimex Cambodia
06:36' CH - Thứ sáu, 04/03/2016
Cửa hàng bán lẻ của Total tại Phnôm Pênh (Ảnh: Huy Du)

Chính phủ Campuchia dự kiến sẽ áp dụng chính sách quản lý giá bán lẻ xăng dầu nhằm ngăn chặn tình trạng các công ty xăng dầu bán quá cao, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và đảm bảo giá bán lẻ xăng dầu tại thị trường Campuchia thay đổi linh hoạt theo sự biến động của giá dầu trên thị trường quốc tế.

Từ trước tới nay, Campuchia chưa có các quy định giá bán lẻ xăng dầu, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu được tự do định giá bán lẻ nhưng thời gian tới khi Chính phủ áp đặt một mức giá trần bán lẻ trên toàn quốc thì các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là các cửa hàng bán lẻ có vị trí không thuận lợi, sản lượng thấp hoặc chi phí đầu tư, chi phí vận hành lớn.

Từ đầu năm 2015 khi giá dầu thế giới đã giảm sâu nhưng giá bán lẻ xăng dầu tại Campuchia vẫn chưa giảm tương ứng, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã nhiều lần lên tiếng về việc các công ty xăng dầu nước ngoài tại Campuchia bán giá cao hơn các công ty tư nhân trong nước và các đầu mối nhập khẩu xăng dầu tăng giá nhanh khi giá dầu thế giới tăng nhưng không giảm giá kịp thời khi giá dầu thế giới giảm. Chính phủ Campuchia cũng đã yêu các đầu mối nhập khẩu xăng dầu cung cấp cho Bộ Mỏ và Năng lượng dữ liệu về số lượng, giá nhập khẩu, chi phí giá vốn, dự trữ thương mại hằng tháng để các Bộ liên quan nghiên cứu chuẩn bị các quy định liên quan đến quản lý giá xăng dầu nhằm thiết lập cơ chế mới đảm bảo giá xăng dầu thay đổi phù hợp với xu thế trên thị trường quốc tế.

Trong suốt một năm qua, các Bộ Thương mại, Kinh tế Tài chính, Mỏ và Năng lượng đã có nhiều cuộc họp với các đầu mối nhập khẩu xăng dầu để bàn về vấn đề trên, Thủ tướng Hun Sen cũng có các cuộc làm việc với từng đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Bộ trưởng Bộ Mỏ và Năng lượng Suy Sem đã yêu cầu các bộ phận liên quan nghiên cứu các thông lệ quốc tế cũng như tham khảo các chính sách quản lý giá bán lẻ xăng dầu của các nước phụ thuộc vào nhập khẩu xăng dầu, xem xét đưa các quy định về giá bán lẻ xăng dầu vào dự thảo luật dầu khí mới của Campuchia. Người phát ngôn của Bộ Thương mại Campuchia Ken Ratha nói rằng Luật cạnh tranh mới đang được xây dựng và khi hoàn chỉnh sẽ điều chỉnh và đảm bảo cạnh tranh công bằng, minh bạch, khuyến khích cạnh tranh trong nước, giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh tự nhiên theo xu hướng của thị trường thế giới.

Ngoài việc kiểm soát giá xăng dầu đối với các nhà phân phối, Luật dầu khí mới của Campuchia sẽ có các qui định về thuế và hoa hồng đối với các công ty dầu khí hoạt động trong lĩnh vực thượng nguồn tại quốc gia này.

Các công ty dầu khí trong nước thận trọng hoan nghênh cơ chế mới nhằm đảm bảo rằng giá bán lẻ phản ánh linh hoạt biến động của giá dầu thế giới. Trong khi đó hai công ty quốc tế là Chevron và Total cho rằng các công thức tính toán giá trần bán lẻ do Chính phủ đưa ra không phù hợp với chi phí hoạt động cao hơn của họ, và việc áp đặt một mức giá trần là đi ngược lại với nguyên tắc thị trường tự do.

Cơ chế giá trần bán lẻ mà Chính phủ dự kiến áp đặt được tính toán dựa trên giá trung bình Platts Singapore, cộng các khoản thuế khi nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, chi phí hoạt động của doanh nghiệp (Chi phí kinh doanh xăng dầu định mức).

Ông Chhoun Dara, thư ký Bộ Thương mại, cho biết Thủ tướng Hun Sen đã ký tắt vào cơ chế giá này, nhưng Chính phủ đang xem xét thêm ý kiến của các doanh nghiệp xăng dầu trước khi hoàn thiện quy chế.

Mới đây, Bộ Thương mại đã thống nhất với các đầu mối nhập khẩu xăng dầu có thị phần lớn trên thị trường rằng Bộ này sẽ áp dụng chu kỳ tính lại giá trần là 10 ngày và định kỳ gặp gỡ các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu mỗi sáu tháng một lần để xem xét về chi phí định mức và cách để cắt giảm các chi phí không cần thiết. Sau khi áp dụng cơ chế mới, các doanh nghiệp bán lẻ vi phạm giá trần sẽ phải bị phạt.

Trong phát biểu với báo giới mới đây, ông Chhoun Dara nói: "Các cơ chế này là phù hợp và chấp nhận được ... và chúng tôi muốn tất cả các công ty phải chấp thuận."

Trong khi các đại diện của các đầu mối xăng dầu nội địa cho biết thống nhất với công thức tính giá cơ sở của Bộ Thương mại, một số công ty quốc tế lại cho rằng cách tính chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức của các công ty trong nước và công ty quốc tế giống nhau là không hợp lý.

Căn cứ theo kê khai và kiểm tra các đầu mối xăng dầu cũng như xem xét đến chi phí hợp lý trên thị trường, Bộ Thương mại đã đưa ra định mức chi phí kinh doanh xăng dầu sử dụng để tính giá cơ sở của một số đầu mối như sau: Total, Chevron, PTT, Sokimex và Tela tối đa là 0,23 đô la mỗi lít. Trong khi đó, Savimex và Bright Victory Mekong tối đa là 0,18 đô la mỗi lít và LHR tối đa là 0,15 đô la mỗi lít.

Tất cả các đầu mối xăng dầu nội địa đồng thuận với chi phí kinh doanh xăng dầu định mức như trên, các công ty quốc tế là Chevron và Total lập luận rằng mức chi phí kinh doanh cho mỗi lít phải được áp dụng cao hơn vì các công ty này có chi phí hoạt động cao hơn để đảm bảo các tiêu chuẩn cao của họ. Chevron và Total đề nghị cần có thêm thời gian để thảo luận về các công thức giá với Bộ Thương mại.

Đại diện công ty xăng dầu PTT (Cambodge) - một công ty quốc tế thuộc PTT Thái Lan, cho rằng các công ty có chi phí khác nhau và cơ chế giá trần cần tính đến chất lượng sản phẩm được bán ra thị trường, giá bán lẻ không giống nhau dựa trên cơ sở chất lượng sản phẩm.

Ông Daniel Hwang – Giám đốc bộ phận sản phẩm của Chevron (Cambodia) Ltd phát biểu trong một cuộc họp giữ Bộ Thương mại với đại diện các đầu mối xăng dầu hồi giữa tháng 1/2016 rằng cần áp dụng mức chi phí kinh doanh xăng dầu linh hoạt, chúng tôi không quan tâm đến giá bán của các công ty khác, chúng tôi chỉ quan tâm đến chính sách của chúng tôi. Chúng tôi có sản phẩm chất lượng tốt và dịch vụ vượt trội vì vậy chúng tôi muốn bán với giá cao hơn, người tiêu dung muốn trả cao hơn để mua sản phẩm tốt họ sẽ mua của chúng tôi.

Đại diện của Total Cambodge nêu lên lo ngại về mức chi phí kinh doanh xăng dầu cố định 0,23 đô la cho mỗi lít sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp này và nói thêm "Nếu chúng ta quy định giá như thế này thì các công ty nước ngoài sẽ rút đi. Chúng tôi chi phí rất nhiều cho tiền lương và mỗi năm đều tăng đồng thời chúng tôi phải đảm bảo duy trì các tiêu chuẩn cao hơn."

Theo quan sát của đại diện Petrolimex tại Campuchia, từ ngày 18.02.2016 đến nay giá bán lẻ của các công ty xăng dầu quốc tế luôn bằng hoặc thấp hơn các công ty địa phương.

Ông Chhoun Dara nói rằng Bộ Thương mại sẽ có các cuộc thảo luận tiếp với Chevron và Total, đồng thời Bộ này sẽ trình báo cáo với Thủ tướng và hy vọng cơ chế quản lý giá trần này sẽ được thực thi. Ông Dara khẳng định: "Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ tuân theo quy định này, nếu chúng ta thiết lập một mức giá khác nhau cho mỗi công ty, sẽ không có cơ sở để xây dựng cơ chế giá trần. Đây là một thị trường cạnh tranh; nếu một công ty nào đó không thể thích ứng được sẽ có một công ty khác thay thế".

Giá bán lẻ xăng dầu tại Phnôm Pênh ngày 04.03.2016 như sau:

Mặt hàng

Giá bán lẻ (Riel/lít)

TELA

Sokimex

Total

Chevron

PTT

Xăng cao cấp

3.550

3.550

3.550

3.550

3.450

Xăng thường

3.250

3.250

3.250

3.200

3.200

Diesel

3.000

3.000

3.000

3.000

2.750

Giá bán lẻ tương đưong VNĐ/lít

Mặt hàng

Giá bán lẻ qui đổi VNĐ/lít (Tỷ giá: 1R = 5,525VNĐ)

TELA

Sokimex

Total

Chevron

PTT

Xăng cao cấp

19.613

19.613

19.613

19.613

19.061

Xăng thường

17.956

17.956

17.956

17.680

17.680

Diesel

16.575

16.575

16.575

16.575

15.193

Petrolimex Resources
Đã có lỗi xảy ra trong quá trình xử lý.
Products & promotions
Đã có lỗi xảy ra trong quá trình xử lý.
Visit Statistics
Total hits: .
Total hits of the month: .
Total hits of the day: .
Currently online: .
Cơ quan chủ quản: Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Nguyễn Quang Dũng - Phó Tổng Giám đốc Địa chỉ: Số 1 Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội - ĐT: (024) 3851-2603 - Fax: (024) 3851-9203 – Email: banbientapweb [@] petrolimex [.] com [.] vn